Khi mới giới thiệu thì một trong những tính năng mà HTC muốn nhấn mạnh nhất trên One là camera, họ gọi nó bằng một mĩ từ: Ultrapixel camera. Thành thật mà nói, xét về mặt công nghệ thì camera của One là có những ưu điểm rất lớn: kích cỡ điểm ảnh gấp 3 lần các đối thủ, ống kính có khẩu độ lớn thứ nhì trên điện thoại: f/2.0 (sau lumia 720 f/1.9) và đặc biệt là hỗ trợ công nghệ chống rung quang học, một tính năng mà Nokia rất tự hào với Lumia 920. Thử nghiệm thực tế cho thấy One rất mạnh khi chụp đêm, thậm chí là vượt cả Lumia 920 về mặt ứng dụng thực tế. Về phần chụp ngày, One có tiềm năng nhưng vẫn còn đó những khuyết điểm cần khắc phục.
Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra danh sách những điểm mạnh và yếu từ camera của One và phân tích dựa trên những điểm đó. Lưu ý rằng tất cả chỉ tập trung cho camera sau, mình không quan tâm đến camera trước cho các bạn nữ tự chụp. Bài viết này sẽ chỉ có 1 số hình minh họa từ camera của One, nếu bạn muốn so sánh One với các điện thoại khác như Lumia 920, iPhone 5 và Samsung Galaxy S4… thì hãy chờ một bài viết khác, khi S4 thương mại được bán ra.
Hình ảnh từ camera HTC One hoàn chỉnh đã được thương mại hóa, không phải là máy mẫu. Ảnh được chụp ở chế độ tự động hoàn toàn, cố gắng tái lập lại cách một người bình thường sẽ xài thế nào khi cầm máy.
Cảm biến ảnh:
Cảm biến ảnh là điểm làm nhiều người hiểu lầm nhất trên One. Nhiều bạn cho rằng nó dùng cảm biến với 3 lớp màu riêng biệt, mỗi lớp màu lại lưu một màu sắc khác nhau như cảm biến Foveon nhưng thực chất thì One vẫn dùng cảm biến CMOS với cách sắp xếp Bayer truyền thống, có chăng là HTC đã dùng BSI-CMOS, loại cảm biến thế hệ mới thay đổi cách sắp xếp các lớp trong cảm biến ảnh để hấp thụ được nhiều ánh sáng hơn. Trong hình dưới vài video thì bạn có thể hình dung được sự khác biệt của CMOS và Foveon. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định ảnh từ One thu được chính là những gì mà cảm biến của nó ghi nhận lại, không sử dụng kỹ thuật pixel binning như Pureview 808.
Nói về pixel binning, đây cũng là một điểm mà nhiều người hiểu lầm. Trên 808, Nokia đã trang bị một cảm biến với độ phân giải thực 41MP, sau đó họ sử dụng một số thuật toán dựa trên kỹ thuật ghép điểm ảnh (pixel binning) để thu nó lại thành 8MP hoặc 5MP tùy người chụp, Với kỹ thuật này, ảnh từ 808 sẽ có chi tiết rất cao do nó thu thập dữ liệu từ các điểm ảnh xung quanh để tổng hợp lại thành một điểm ảnh duy nhất. Với ảnh 8MP thì dữ liệu của 5 điểm ảnh sẽ gom làm một và 5MP thì 8 điểm gom làm một.
Với độ phân giải chỉ 4MP, rất nhiều bạn cho rằng ảnh từ One cũng được ghép lại như 808 nhưng xin khẳng định lại là độ phân giải thật của One là 4MP, không hơn và cũng không kém.
Chúng ta sẽ tìm hiểu về ưu và nhược của pixel binning và cách hạ độ phân giải xuống của One trong phần sau, khi đã tìm hiểu rõ về kích cỡ điểm ảnh:
Kích cỡ điểm ảnh:
Kích cỡ điểm ảnh là một thông số rất rất quan trọng mà ít người để ý, đặc biệt là những người không quen tiếp xúc với DSLR và các máy có cảm biến lớn. Bạn hãy tưởng tượng thế này:
Chúng ta có một sân bóng rổ với diện tích cố định, trồng vào đó 20 cái cây thì cả 20 cái đều có thể hấp thụ ảnh sáng mặt trời tốt, quang hợp dễ dàng. Nhưng nếu đưa vào 2000 cây thì chúng chen chúc nhau, khoảng cách giữa các cây càng hẹp lại và không gian trống càng ít, lượng ánh sáng mà từng cây thu được sẽ càng thấp hơn, suy ra hiệu suất thu ánh sáng của từng cây sẽ càng ít hơn. Các cây càng phải chen chúc nhau để sống thì chúng sẽ phải nhỏ đi để thích ứng, nếu chỉ có 20 cây thì mỗi cây có thể to 3m nhưng 2000 cây thì mỗi cây chỉ to 30cm vậy.
Quay lại lại với cảm biến, nếu bạn coi mỗi cây là một điểm ảnh thì trên sân bóng rổ đó ra sẽ có 4 triệu cây với cảm biến 4MP và 8 triệu cây với cảm biến 8MP. Cũng với quy luật trên, mỗi điểm ảnh lúc này sẽ bị thu nhỏ lại, nếu có 4 triệu điểm ảnh thì mỗi điểm ảnh sẽ lớn 4µm2, 8 triệu điểm ảnh thì mỗi điểm ảnh 2µm2 và 13 triệu điểm ảnh thì mỗi điểm ảnh là 1,33µm2. Như đã nói, trong điều kiện diện tích sân bóng rổ không đổi (diện tích cảm biến) thì lượng ánh sáng mà mỗi điểm ảnh thu được càng thấp, hiệu suất càng kém (tín hiệu/nhiễu - signal/noise ratio) càng thấp.
Bên cạnh đó, một điểm ảnh kích thước lớn sẽ còn mang lại rất nhiều lợi thế, bạn có thể đọc lại bài viết của mình về ISO và cấu trúc cảm biến ảnh để có cái nhìn rõ ràng hơn.
Mở rộng hơn một chút tới DSLR, bạn có biết lý do tại sao các máy ảnh này đều có chất lượng ảnh tốt hơn máy ngắm chụp nhỏ gọn của chúng ta không? Ngoài ống kính ra thì cảm biến cũng là một nguyên nhân quan trọng: kích cỡ cảm biến của DSLR lớn hơn nhiều.
Cùng một độ phân giải, cùng cấu trúc cảm biến (Bayer CMOS, Foveon, X-Trans CMOS…)
và cùng thế hệ (cùng năm, tức không có đột phá mạnh mẽ gì về công nghệ) thì chắc chắn cảm biến có điểm ảnh lớn hơn sẽ tốt hơn cảm biến có điểm ảnh nhỏ. Nếu bạn biết Nikon D3 có kích cỡ điểm ảnh là 8,45µm thì cũng sẽ hình dung ra tại sao nó lại chụp đẹp như vậy phải không? Như vậy, máy DSLR 12MP thì vẫn có chất lượng cao hơn PnS 16 hay 20MP, cái này gọi là chất lượng hơn số lượng.
Quay trở lại với One, kích cỡ từng điểm ảnh của One là bao nhiêu: 4µm2, một con số rất ấn tượng. So với 2 máy compact đình đám nhất hiện nay là Sony RX100 và Fujifilm X10 thì One không thua bao nhiêu, nó thậm chí còn vượt cả Canon S110 và tất nhiên là không thể nhắc tới iPhone 5, Nokia 920 và Pureview 808 cùng với 2µm2.
Như vậy, bạn có thể thấy Nokia 808 có kích cỡ điểm ảnh nhỏ, tỷ lệ signal/noise sẽ không tốt bằng One trên từng điểm ảnh. Do đó Nokia đã sử dụng Pixel Binning tổng hợp dữ liệu từ từng điểm ảnh một để tạo nên ưu thế cho 808 về mặt tổng thể. Thực tế cá nhân mình đánh giá ảnh từ 808 vẫn tốt hơn One, tuy nhiên với cách lấy thịt đè người như vậy thì module camera của 808 quá khủng khiếp, HTC không thể trang bị cho One. Hơn thế nữa, với lượng dữ liệu phải xử lý điên cuồng, chắc chắn camera 808 sẽ làm cho Android, một hệ điều hành không mạnh về hình ảnh phải vật vờ. Bản thân 808 cũng phải có một con chip riêng chỉ để xử lý khối lượng dự liệu "khủng long" mà sensor thu lại.
Ống kính:
Ống kính One sử dụng là ống kính góc rộng 28mm và khẩu độ lớn thứ nhì trên một điện thoại di động: f/2.0. Với ống kính 28mm thì bạn sẽ thu được hình ảnh góc rộng hơn so với khá nhiều ống 35mm phổ biến hiện tại. Tuy nhiên, với một số bạn thì đây cũng có thể coi là một nhược điểm của One: độ phân giải đã thấp lại giàn trải trên một diện tích ảnh lớn (do góc nhìn rộng) thì chắc chắn độ nét khi zoom sẽ càng giảm. Ưu điểm là do mật độ điểm ảnh thấp, bạn sẽ ít thấy hình ảnh bị rung hơn so với một máy có mật độ điểm ảnh cao. Ngoài ra, các bạn nữ tự sướng tập thể cũng sẽ ít phải vươn tay ra xa hơn khi chụp hình.
Một ưu điểm cần phải nhắc là HTC đã khá thông minh khi thiết kế ống kính của họ sâu vào trong hơn so với một vài điện thoại mỏng khác trên thị trường. Nhờ ưu điểm này mà các điểm sáng mạnh như bóng đèn hay các dải sáng được kiểm soát tốt hơn, không bị tình trạng flare hay một dải tím như iPhone 5.
Về khẩu độ, việc sử dụng f/2.0 cho phép One có ưu thế lớn khi chụp đêm, lợi được nửa khẩu so với iPhone 5 có f2.4 hay 1 khẩu so với các máy f/2.8. Trong hình phía dưới, HTC One tự tin giảm tốc độ chụp còn 1/5 giây (do có chống rung quang học) và lợi nửa khẩu f/2.0 nên có thể duy trì ISO ở mức thấp, chỉ là 1500. Với iPhone 5, cùng điều kiện trên thì nó không thể giảm tốc độ chụp hơn nữa do sợ rung (1/15 giây), thiệt nửa khẩu và phải ép ISO lên cao 3200 do những bất lợi về khẩu độ cùng tốc độ chụp. Kết quả thế nào thì bạn có thể thấy rõ, ảnh từ One thật sự sạch hơn rất nhiều. Trong hình ảnh so sánh này thì mình đã dùng Photoshop resize ảnh 8MP của iPhone 5 xuống còn 2688px chiều ngang, đúng bằng One để các bạn so sánh (chất lượng mức 12, tức 100%). Qua đây thì cũng giải đáp được một phần câu hỏi các bạn nếu resize ảnh từ máy có độ phân giải cao xuống thấp để so với One.
Tham khảo bài viết chi tiết về khẩu độ của anh tuanlionsg để biết rõ hơn.
Thuật toán xử lý:
Phần cứng rất quan trọng nhưng phần mềm cũng cần được chú ý không kém, một máy tốt mà cơ chế xử lý kém cũng thua một máy trung bình có cơ chế xử lý tốt. One làm rất tốt việc xử lý ảnh trong đêm, nó rất tuyệt. Nhưng còn chụp ban ngày, ảnh từ One bị đẩy hơi quá, HTC cẩn khắc phục triệt để vấn đề này trong bản cập nhật tiếp theo.
Thuật toán xử lý ảnh ban ngày của One không tốt, nó cho ảnh hơi dư sáng khoảng 1/3-1/2 khẩu so với mức trung bình và dựa trên ảnh đo sáng không tốt đó lại tiếp tục ép highlight (phần sáng) cùng shadow (phần tối) của bức ảnh. One cố gắng sao cho ảnh không bị quá sáng và cũng không bị tối ở bất cứ phần nào, đây là một điều cực kỳ vô lý. Bạn có thể thấy trong những ảnh ở dưới thì One cho màu đục và ảo ở một số cảnh có độ chênh lớn giữa vùng sáng và tối trong khi những ảnh trung tính lại hoàn toàn chấp nhận được. Được biết khi thương mại hóa chính thức, HTC đã cập nhật một bản vá lỗi này những có lẽ nó vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Quan sát kỹ mặt vào áo của chủ thể
One và Lumia 920:
Kể từ khi 920 ra đời, người ta sáng tạo ra một thể loại máy ảnh điện thoại mới: chụp đêm tốt nhưng ngày không tốt. Vấn đề ở đây đều nằm ở cơ chế xử lý, ảnh từ 2 sản phẩm này đều dư sáng so với bình thường. Hiện tại thì mình vẫn chờ cho đến khi S4 hoàn thiện để thử nghiệm trực tiếp camera tất cả các điện thoại cao cấp với nhau nên vẫn chưa kết luận được gì, nhưng nếu xét riêng về cơ chế chụp đêm, có lẽ One hơi lợi thế của 920.
Trên 920, Nokia tự tin dựa vào cơ chế chống rung quang học để giảm tốc độ xuống, giúp hình ảnh thu được sáng hơn những điện thoại không thể giảm tốc độ chụp như Galaxy S4 hay iPhone 5. Tuy nhiên, One lại có thêm một lợi thế nữa là cảm biến có kích cỡ điểm ảnh lớn, một yếu tố quyết định rất lớn tới chất lượng ảnh. Kết hợp điều này với chống rung quang học, có thể thấy camera One có nhiều ưu thế hơn về môi trường chụp, nó có thể cưỡng ép chụp tốc độ cao hơn bằng cách kích ISO, do đó có thể chụp chuyển động tốt hơn 920 chỉ ưu thế với tĩnh vật.
Tất nhiên, đây chỉ là lý thuyết, chúng ta vẫn cần thử nghiệm thực tế.
4MP có đủ?
Nên nhớ, màn hình máy tính bạn đang xài có cao thì cũng chỉ là 1920x1200, vào khoảng 2MP mà thôi. Ở độ phân giải này thì ảnh của One vẫn dư chi tiết cho bạn có. Trừ khi bạn có ý đồ xấu zoom sâu vào cái gì đó thì độ phân giải cao hơn cũng vô nghĩa. Trừ khi bạn dùng dùng máy Retina thì khi đó hãy ý kiến với HTC vì độ phân giải màn hình là 2880 x 1800, hơn 5 triệu điểm ảnh.
Tất nhiên, nếu được chọn mình sẽ vẫn thích One có cảm biến 8MP mà ảnh chụp xuất sắc hơn nhưng bạn không thể đòi hỏi quá nhiều, mọi thứ đều có giới hạn của nó. Có lẽ vài năm nữa chúng ta sẽ thấy những đột phá trong cấu trúc cảm biến, kiểu như X-Trans CMOS và Bayer CMOS nhưng đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo ở thời điểm này thì thật vô lý.
Kết luận:
One là một chiếc điện thoại rất có tiềm năng chụp hình, điều này được thể hiện rõ ràng qua những bức hình chụp trong đêm của nó, ISO 1500 sạch một cách đáng ngạc nhiên. Thật buồn là camera ngày lại không tốt như vậy. Khi ánh sáng trung tính, không có điểm gắt hay quá tối thì chất ảnh của One không thể chê được, nó cho màu sắc tốt, trong và được đánh giá cao. Mình đã thử ảnh One chính thức với 2 chiếc S4 bản thử nghiệm khác nhau thì mình đều đánh giá One cao hơn, bạn hãy dùng mắt và cái tâm của mình để xem, đừng đọc rồi phán.
Tuy nhiên, khi chụp với ánh sáng phức tạp hơn, có sáng có tối thì One lại gặp vấn đề nặng với các chi tiết sáng, không rõ là dynamic range kém (khá vô lý với sensor có pixel pitch lớn vậy) hay thuật toán xử lý quá tệ, cưỡng ép highlight xuống quá nhiều mà các chi tiết sáng của One bị bệt lại khá ảo. Chỉ mong HTC sẽ sớm khắc phục nhược điểm này.
HTC One không phải là chiếc điện thoại có khả năng chụp hình hoàn hảo nhưng nó tiếp tục nhấn mạnh xu thế chụp đêm tốt của thế hệ máy ảnh hiện đại, nó đã và sẽ dạy rất nhiều người bài học về độ phân giải và các yếu tố khác trong nhiếp ảnh.
Hy vọng trong bản HTC Two hay các bản nâng cấp khác sau này, HTC sẽ nâng cấp lên 6MP cũng ống kính 35mm, đây có lẽ sẽ là sự kết hợp cân bằng hơn giữa tất cả các yếu tố thay vì 4MP và 28mm như hiện tại.
Ưu điểm:
- Cảm biến có kích cỡ điểm ảnh lớn: 4µm2
- Ống kính khẩu lớn f/2.0
- Thiết kế ống kính thông minh, lớn và sâu, ít bị flare
- Chống rung quang học
- Chụp đêm cực tốt
- Ảnh HDR khá tốt.
Nhược điểm:
- Độ phân giải 4MP, 6MP sẽ phù hợp với nhiều người hơn.
- Không phù hợp với siêu nhân soi hình (pixel peeper)
- Ảnh đục khi có ánh sáng phức tạp.
- Xử lý quá nhiều.
Xem thêm:
Những hình ảnh từ Camera One ở Việt Nam (bản thử nghiệm, bản chính thức ít nhiễu hơn).
Camera S4 và One.
Khu căn hộ Phúc Yên Prosper Phố Đông được xây dựng bởi Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Dịch vụ Minh Hưng giải trí cao cấp tầm nhìn đẹp dịch vụ ưu đãi. Phúc Yên Prosper Phố Đông...
Phúc Yên Prosper Phố Đông tiện ích...