Sony (trước đây là Sony Ericsson) tham gia vào thị trường thiết bị Android ở Việt Nam khá sớm, khởi đầu bằng loạt máy Xperia X, chẳng hạn như X10, X10 Mini. Sau đó, hãng tiếp tục với dòng Arc, Arc S, Ray, Play, neo vốn nhận được phản hồi khá tích cực từ người dùng trong nước. Đến năm 2012, Sony gây ấn tượng hơn với sự ra đời của các model như Xperia S/SL, Xperia TX và sắp tới sẽ có Xperia Z, ZL. Trong bài viết này, mời các bạn cùng nhìn lại những bước phát triển của những sản phẩm điện thoại di động mang thương hiệu Sony cũng như hướng đi trong năm 2013 của hãng.
Thiết kế
Đầu năm 2012, khi Sony giới thiệu Xperia S, chúng ta đã thấy một sự thay đổi lớn trong phong cách thiết kế điện thoại của hãng. Thân hình cong và bo trò đặc trưng của Xperia Arc, Arc S đã được thay thế bởi lối thiết kế vuông vức hơn. Mặc dù mặt sau của Xperia S vẫn cong nhưng theo hướng ra ngoài, ngược với hướng vào trong của Arc. Xperia S nhận được đánh giá rất tích cực của người dùng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam cũng chính nhờ kiểu thiết kế nguyên khối chắc chắn và khỏe mạnh đó.
Theo sau Xperia S, chúng ta được chứng kiến sự ra đời của Xperia P, Xperia U, sau đó là tới Xperia SL, tất cả đều kế thừa lại ngoại hình độc đáo của S. Không thể không kể đến khu vực trong suốt nằm ở cạnh dưới của S/P/U có khả năng phát sáng khi thiết bị hoạt động. Trên S và P, khu vực chỉ có thể hiển thị đèn màu trắng, nhưng ở chiếc U thì nó sở hữu khả năng biến chuyển màu tùy theo nội dung trên màn hình. Đây cũng là một điểm khác giúp những chiếc Xperia này đứng tách biệt so với những sản phẩm từ các hãng khác xét về mặt thiết kế. Đặc biệt, Xperia U là sản phẩm tầm thấp nhưng vẫn sở hữu ngoại hình của một sản phẩm cao cấp.
Không thể không kể đến loạt smartphone ra mắt giữa năm, chẳng hạn như Xperia sola, go, sau đó có thêm miro. Các máy này không nhắm đến phân khúc cao cấp như dòng Xperia NXT mà chú trọng đến nhóm khách hàng ít không có hầu bao dư dả. Ba mẫu máy này cũng sở hữu một thiết kế mới, khác biệt so với dòng NXT. Chúng thời trang hơn, có phần đuôi máy được thiết kế hơi lõm nhẹ vào một chút.
Đến tháng 10 năm 2012, Sony bổ sung thêm vào bộ sưu tập sản phẩm của mình với các máy Xperia TX, Xperia V, Xperia J, Xperia SL. Trong số đó, TX, V và J là những model mới, còn SL là một bản nâng cấp nhẹ cho S với ngoại hình giống hệt, chỉ khác một chút về phần cứng. TX, V và J kế thừa vẻ đẹp của Xperia Arc/Arc S của năm 2011 chứ không phát triển dựa trên nền Xperia S. Chúng ta có thể nhận ra điều đó khá dễ dàng với thiết kế hơi vát ở mặt lưng. Có lẽ do máy mạnh hơn Xperia Arc S khá nhiều nên Sony không còn làm đường cong mạnh mẽ nữa mà hơi nhẹ nhàng, trung tính hơn. Phần camera và đáy máy được đắp nổi lên giữ cho TX cân bằng khi đặt trên mặt phẳng. Sony cũng cố gắng thiết kế một vòng tròn bạc nhỏ hơi nổi hơn bề mặt camera, làm cho nó khó bị trầy hơn.
Sang đến năm nay, Sony đã gần như lột xác hoàn toàn với một phong cách thiết kế hoàn toàn mới với sự ra đời của chiếc Xperia Z. Không còn bất kì một đường cong nào xuất hiện trên chiếc smartphone này, chúng ta chỉ thấy những nét thẳng chắc chắn và rất khỏe mạnh, từ màn hình, cạnh máy cho đến nút nhấn đều được thay đổi. Điểm nhấn trên Xperia Z nằm ở nút nguồn bạc nổi bật trên lớp vỏ màu đen, tím hoặc trắng. Sony cũng đã cho biết rằng nút nguồn này sẽ là một đặc trưng mà hãng dự kiến mang lên những dòng Xperia khác của mình trong năm 2013. Mặt kính to ở phía sau cũng là một điểm rất mới lạ và có thể nói đây là lần đầu thành phần này xuất hiện trên một chiếc Xperia.
Và còn điểm nổi bật nhất của Z? Đó chính là khả năng chống vào nước và chống bụi, một tính năng không thường xuất hiện trên các smartphone cao cấp được bán ở thị trường thế giới (còn ở Nhật Bản thì nhiều lắm). Người dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn và không còn phải quá lo lắng cất cất, giấu giấu chiếc smartphone đắt tiền của mình mỗi khi đang đi ngoài trời mà gặp mưa. Thói quen sử dụng cũng có thể sẽ thay đổi, chúng ta có thể dễ dàng nghe máy khi đang đi dưới trời mưa mà không lo bị đoản mạch và hư máy. Hay như trong đoạn quảng cáo do Sony đưa ra, đó là nếu điện thoại bị bám bụi thì không vấn đề gì, cứ cầm chai nước chế lên cho sạch! Ngoài Z ra, ở Việt Nam, Sony đã có model Xperia acro S, Xperia V và Xperia go là có khả năng chống nước trong dòng Xperia.
Bên cạnh Z, Sony còn tung ra chiếc Xperia ZL. Xperia ZL là phiên bản giản lược về mặt thiết kế của Xperia Z. Ngoài ra, mọi thành phần bên trong được giữ nguyên, do vậy hiệu năng và sức mạnh của Xperia ZL là hoàn toàn tương đương với người anh Xperia Z của mình, chỉ có thiết kế bên ngoài là khác biệt đôi chút. Cụ thể, máy dày 9,8mm, trong khi Z chỉ là 7,9mm. Máy to bản hơn nhưng ngắn hơn so với Z, không có mặt sau bằng kính và cũng không có khả năng chống vào nước như Z. Cả Z và ZL đều sẽ có mặt ở Việt Nam trong khoảng một hoặc một tháng rưỡi nữa.
Có thể thấy là với Xperia Z/ZL, Sony muốn cho khách hàng biết được rằng hãng đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi dừng việc hợp tác trong mảng di động với Ericsson. Sự lột xác của những mẫu smartphone này là minh chứng đại diện cho sự cách tân liên tục trong thiết kế, một trong những truyền thống đặt trưng của công ty Nhật. Z và ZL còn là nỗ lực của Sony nhằm vươn lên trong thị trường smartphone vốn đang bị chiếm lĩnh bởi các đối thủ lớn khác.
Tuy nhiên, liệu Sony có cạnh tranh lại với các đối thủ ra sau như HTC One, LG Optimus G Pro, sắp tới có thêm Samsung Galaxy S IV, iPhone đời mới,... hay không thì chúng ta sẽ phải để thời gian trả lời. Năm 2012, Sony bị các đối thủ lớn khác lấn át ở thị trường Việt Nam vì công tác quảng bá chưa tốt. Người tiêu dùng không thấy rõ được những tính năng nổi bật của Xperia so với những chiếc Android khác trong cùng tầm giá, do đó họ không lựa Sony mà chuyển sang những công ty còn lại. Nếu Sony muốn thành công trong năm nay, việc tiếp thị sản phẩm đến khách hàng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Phần cứng
SoC
Ở trên chúng ta đã bàn về ngoại hình, còn bây giờ sẽ đi sâu hơn một chút vào phần "nội thất" của các sản phẩm Sony. Đầu tiên là nói về bộ xử lí. Kể từ những ngày đầu từ bỏ Windows Mobile để chuyển sang Android, Sony đã chọn Qualcomm làm nhà cung cấp chip SoC cho hầu hết các sản phẩm di động của mình. Đầu tiên là các dòng Snapdragon S1 trên mẫu Xperia X10, X10 Mini, sau đó di chuyển lên Snapdragon S2 với Arc, Arc S, Neo, Neo V, Play, Pro. Đến năm 2012, hãng lại tiếp tục sử dụng phiên bản Snapdragon S3 cho các máy S, SL, acro S… Tuy nhiên, những chiếc máy này đều bị nhận một phản hồi gần giống nhau: cấu hình đi sau thời đại. Ví dụ, chiếc Xperia S là một sản phẩm chủ lực của Sony ra mắt đầu năm 2012 nhưng lại dùng con chip Snapdragon S3 vốn đã xuất hiện trên nhiều model 2011 của các hãng khác. Mặc dù hiệu năng của chip vẫn đủ đáp ứng, thậm chí là dư cho hầu hết các nhu cầu cơ bản lẫn nâng cao, tuy nhiên nó tạo cho khách hàng của Sony cảm giác bị thua thiệt và lỗi thời hơn so với các hãng khác ra mắt trong cùng một năm. Xperia T/TX có khắc phục phần nào nhược điểm này vì chuyển sang dùng chip Snapdragon S4 Plus với hiệu năng cao hơn.
Sang đến năm nay, Sony đã khắc phục được điểm yếu nói trên khi tích hợp vào Xperia Z/ZL con chip Snapdragon S4 Pro, một trong những SoC mới nhất của Qualcomm tính tời thời điểm mà mẫu smartphone này ra mắt. Chip Snapdragon S4 Pro có bốn nhân xử lí, bộ xử lí đồ họa Adreno 320, cùng với đó là bộ thu phát sóng di động tích hợp thẳng vào trong SoC nên mang lại hiệu năng cao hơn so với những đối thủ cùng tầm. Khả năng tiết kiệm năng lượng nhờ biện pháp tích hợp modem không dây vào SoC cũng là một điểm mạnh giúp cho Xperia Z/ZL có được thời lượng dùng pin dài hơn. Lúc Z và ZL được chính thức trình làng, nó sở hữu cấu hình có thể xem là mạnh nhất trong thế giới Android nói riêng và cả thị trường smartphone nói chung. Chính con chip Snadragon S4 Pro bốn nhân cũng là thứ giúp người dùng chú ý đến Z/ZL nhiều hơn.
Màn hình
Về màn hình, ta có thể dễ dàng nhận thấy kích thước của tấm nền trên các smartphone Sony ngày càng lớn hơn. Từ con số 4" trên X10, Sony đã dần nhích lên 4,3" trên Xperia Arc, Xperia S, 4,5"" ở Xperia TX bây giờ hãng nhảy lên 5" trên Xperia Z. Xu hướng màn hình to đã được thể hiện rõ nét trong những tháng cuối năm 2012 và bây giờ nó sẽ lại tiếp tục diễn ra trong năm 2013. Vì con số 5" nói trên, Xperia Z có thể được xếp vào cùng phân khúc "phablet", tức máy tính bảng lai điện thoại, cùng với những sản phẩm khác như HTC Butterfly, Samsung Galaxy Note II,… Không những thế, hãng còn trang bị cho màn hình của Z và ZL độ phân giải Full-HD 1920 x 1080, độ phân giải cao nhất tính đến thời điểm hiện tại cho một chiếc smartphone. Kết quả thì chắc các bạn cũng đã biết, hình ảnh đẹp hơn, mịn màng hơn, hiện tượng rỗ pixel không còn nữa. Sony là một hãng sản xuất màn hình có tiếng và hãng đã tận dụng lợi thế đó để mang công nghệ Bravia Engine 1, 2, 3 từ TV lên điện thoại để cải thiện chất lượng hình ảnh.
Cũng nói về màn hình, năm 2012 Sony có một công nghệ gây bất ngờ: cảm ứng không cần chạm. Hãng gọi đây là Floating Touch và nó được giới thiệu trên Xperia Sola. Màn hình của Sola ngoài các cảm biến điện dung tương hổ thông thường còn có một cảm biến "điện dung riêng" để có thể nhận biết tín hiệu ở một khoảng 20mm cách xa màn hình. Bạn có thể
xem giải thích chi tiết về cách hoạt động của Floating Touch ở đây.
Floating Touch đem lại một trải nghiệm mới lạ cho người dùng vì từ trước đến nay muốn chọt chọt, chạm chạm đều phải tiếp xúc với máy. Sony đã kích hoạt khả năng lướt ngón tay trên trình duyệt để kích hoạt các sự kiện trong trang web như khi chúng ta rê chuột trên máy tính. Hãng cũng có mở bộ API để các lập trình viên bên ngoài cùng chung tay các ứng dụng hỗ trợ Floating Touch. Tuy nhiên, Floating Touch có điểm hạn chế là chỉ có thể nhận biết được một điểm chạm do hạn chế về công nghệ. Chính vì thế, nó không có nhiều ứng dụng. Sự hỗ trợ từ các nhà phát triển bên ngoài cũng không mạnh mẽ nên chúng ta không còn thấy Floating Touch trên những chiếc Xperia sau này.
Ngoài ra, màn hình của Xperia P cũng có điểm độc đáo khi sử dụng công nghệ White Magic. Công nghệ này bổ sung thêm một điểm ảnh màu trắng vào bộ ba điểm đỏ, xanh dương và xanh lá bình thường. Nhờ kết hợp phần cứng với thuật toán, Sony làm cho màn hình trở nên sáng hơn gấp 2 lần, tuy nhiên vẫn đảm bảo việc tiết kiệm năng lượng tiêu thụ. Khi sử dụng bên ngoài, màn hình của Xperia P có độ sáng rất cao, còn khi dùng bình thường thì giúp kéo dài thời gian dùng pin. Bạn có thể
tìm hiểu thêm về công nghệ White Magic.
Máy ảnh
Xperia S ra mắt đi kèm theo một số cải tiến mới về khả năng chụp ảnh so với những người tiền nhiệm của mình, trong đó đầu tiên phải nói đến khả năng kích hoạt trình chụp ảnh mà không cần phải mở khóa máy. Thao tác này được thực hiện bằng cách nhấn giữ phím camera. Không chỉ khởi chạy nhanh app, máy cũng sẽ chụp luôn một bức ảnh để chúng ta không bị mất đi một khoảnh khắc đánh quý nào cả. Thời đầu năm 2012 thì tính năng này thật sự mới lạ, nó không có mặt trên nhiều smartphone Android lắm.
Các smartphone của Sony được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ cho việc chụp ảnh. Ví dụ, trong app camera còn có chế độ chụp Superior Auto, nghe tên khá giống với chức năng có tên tương tự trên các máy ảnh du lịch Sony Cyber-shot. Với chế độ này thì máy sẽ tự động chọn trong 9 bối cảnh có sẵn (chụp phong cảnh, chân dung, macro, tài liệu, HDR …), nó hoạt động khá tốt. Không thể không kể đến khả năng chụp toàn cảnh, nhận diện khuôn mặt,… Những tính năng kể trên đa phần đều có mặt trên Xperia S và Xperia TX, cả hai cũng cùng sử dụng cảm biến Exmor R.
Lến đến Xperia Z, cảm biến ảnh được nâng cấp thành
Exmor RS với thiết kế "stacked". Lợi ích lớn nhất Z mang lại cho người dùng nằm ở khả năng chụp ảnh và quay phim HDR liên tục. Về cơ bản, ảnh HDR được tạo bằng cách ghép ba (hoặc nhiều hơn) tấm hình chụp cùng một khung ảnh nhưng có độ phơi sáng lệch nhau. Kết quả là chúng ta có một bức ảnh với các chi tiết rõ ràng ở cả vùng sáng lẫn vùng tối. Việc hỗ trợ ghi video HDR cho thấy chiếc smartphone của Sony với chip Qualcomm Snapdragon S4 Pro đủ mạnh để áp dụng nhiều mức độ phơi sáng ngay cả khi đang quay phim. Ngoài ra, máy ảnh của Xperia Z còn hỗ trợ chụp ảnh khi đang quay phim, chụp liên tục 10fps ở độ phân giải 9MP. Ngay cảm máy ảnh phụ ở mặt trước cũng được trang bị cảm biến Exmor R nữa. Các bạn lưu ý rằng chất lượng ảnh thật sự của Xperia Z ra sao thì chúng ta phải chờ đến cuối tháng Ba mới đánh giá chính xác, còn hiện tại chúng ta chỉ nhìn dưới góc độ thông số kĩ thuật mà thôi.
Về phần stacked sensor, Sony giải thích như sau. Cảm biến ảnh CMOS thông thường có phần pixel được gắn bên trên mạch analog của cùng một chip. Do đó, khi cần sử dụng các mạch điện có kích thước lớn để bổ sung tính năng thì có nhiều hạn chế về nhiễu ảnh, kích thước tổng quan của cảm biến cũng như ảnh hưởng đến sự tối ưu hóa cho kích cỡ pixel. Trong khi đó,
cảm biến stacked (chữ này có nghĩa là "chồng lên") có hai lớp pixel và lớp mạch nằm tách biệt trên hai chip. Hai bộ phận này sau đó sẽ được ghép lại, và phần mạch analog sẽ thay thế cho lớp chất nền của cảm biến BSI CMOS thông thường. Nhờ vậy, Sony sẽ dễ dàng mở rộng mạch tín hiệu để cung cấp thêm tính năng cho sản phẩm, tùy biến phần pixel nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu thu gọn kích cỡ cảm biến. Việc sử dụng dây chuyển sản xuất mới cũng mang lại cho stacked sensor khả năng tiêu thụ điện thấp và tốc độ xử lí tín hiệu nhanh hơn. Theo Sony, Exmor RS chính là những cảm biến ảnh đầu tiên trên thế giới dùng dạng stacked như thế này.
Phần mềm
Những thay đổi về mặt phần mềm của Sony không "dữ dội" như HTC, Samsung hay LG. Nó là những thay đổi từ từ và nhỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là Sony không làm gì để nâng cấp trải nghiệm cho người dùng. Kể từ thời Arc, sau đó lên đến S, mỗi lần Sony đưa ra bản cập nhật firmware cho thiết bị là hãng sẽ thêm vào một số tính năng cực kì hữu ích. Ví dụ điển hình có thể kể đến bộ app Gallery mới và ứng dụng chơi nhạc Walkman. Walkman có giao diện đơn giản nhưng đẹp mắt và sang trọng, thuận tiện cho việc thưởng thức âm nhạc của chúng ta trên smartphone Android. Ngoài ra Sony còn trang bị tính năng Visualizer để vẽ nên nhiều hiệu ứng màu sắc rất đẹp trong lúc chơi nhạc (nếu bạn thường dùng iTunes hay Windows Media Player thì chắc không lạ gì với Visualizer).
Giao diện TimeScape đặc trưng cho những dòng máy Xperia ngày càng được hoàn thiện tốt hơn, đơn giản hóa đi vài thành phần đồ họa nhưng vẫn không kém phần sang trọng. Ngoài ra, TimeScape ngày càng được tối ưu nên góp phần làm tăng hiệu năng của toàn thiết bị, tình trạng lag, giật được giảm thiểu. Tính năng kết nối của TimeScape với các mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng là điểm được Sony chú trọng quảng bá. Sony đúng thật là có tùy biến giao diện, tuy nhiên nó không thay đổi nhiều so với thiết kế gốc của Google. Đây chính là điểm dễ nhận thấy của các máy Xperia so với những thiết bị của HTC, Samsung, vốn có giao diện được tùy biến mạnh. Để đánh giá đây là điểm mạnh hay yếu thì tùy vào mỗi người. Có người thích những gì giống bản gốc, có người khác lại cảm thấy bản gốc nhàm chán và muốn có cái gì đó mới lạ.
Trong hệ thống của những máy Xperia 2012 và 2013 còn có một thứ được gọi "small apps". Chúng là những ứng dụng nhỏ gọn chạy dưới dạng các cửa sổ. Người dùng có thể di chuyển các app này xung quanh màn hình trong khi đang sử dụng những phần mềm khác. Tính năng này giúp hãng cạnh tranh tốt hơn với Samsung, vốn cũng trang bị tính năng tương tự cho các dòng Galaxy.
Tuy nhiên, Sony còn yếu ở điểm cập nhật phiên bản Android cho các dòng Xperia của mình khá lâu. Mặc dù hãng rất tích cực trong việc đưa ra những bản thử nghiệm, ví dụ như bản Android 4.0 alpha, beta cho Arc/Arc S, bản Android 4.1 alpha cho Xperia T/TX, tuy nhiên thời gian để ra mắt chính thức còn dài hơn đôi chút so với các đối thủ khác. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến người dùng "ngại" mua sản phẩm Sony. Nếu bạn là một người dùng cao cấp rất quen với việc root máy, up ROM thì chuyện chạy các ROM cook mới là điều dễ dàng, nhưng tiếc thay, phần lớn người dùng ở Việt Nam, và cả trên thế giới chỉ là người dùng phổ thông. Họ chỉ quan tâm đến những bản update chính thức mà thôi.
Cũng liên quan đến firmware, các thiết bị mới ra mắt của Sony thường không được cài sẵn bản Android mới nhất. Ví dụ, khi Xperia S ra mắt, máy chỉ chạy Android 2.3 mặc dù trước đó Google đã tung ra Android 4.0. Hay như Xperia T/TX chẳng hạn, chúng hoạt động trên Android 4.0 trong khi Google đã tung ra bản 4.1. Samsung Galaxy Note II, sản phẩm được công bố cùng thời điểm với Xperia T/TX, lại chạy Android 4.1. Lên đến Xperia Z thì tình hình mới đỡ hơn khi máy chạy Android 4.1. Nếu Sony cố gắng làm cách nào đó khắc phục được vấn đề này thì sản phẩm của hãng sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Hi vọng Sony sẽ cải thiện hơn về chuyện firmware trong năm nay.
Nói tóm lại, kể từ khi chuyển sang Android, các dòng smartphone của Sony đã có những biến chuyển rõ rệt. Chúng ta đã được thấy Sony liên tục làm mới ngoại hình và phần cứng cho máy, phần mềm cũng không là ngoại lệ. Thiết kế của Sony vẫn mang những nét đặc trưng rất riêng, khó có thể nhầm lẫn với các công ty khác và nó đem lại cho người dùng một cảm giác cao cấp. Tuy nhiên, hãng vẫn còn chưa làm tốt việc quảng bá sản phẩm, cộng với đó là tốc độ cập nhật phiên bản Android cho máy còn chậm nên ít nhiều ảnh hưởng đến lượng người dùng tiếp cận với các máy Xperia. Hi vọng trong năm 2013 và cả tương lai xa, Sony sẽ cải thiện được những hạn chế của mình để quay lại với thị trường một cách mạnh mẽ hơn.
Việc quyết định sử dụng thuốc xịt Vimax hay bất kỳ sản phẩm hỗ trợ tình dục nào phụ thuộc vào nhu cầu, tình trạng sức khỏe và mục tiêu của bạn. Để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn, dưới đây là phân...
Góc phái mạnh. Thuốc xịt Vimax có...