Thị trường bắt đầu hồi phục cũng là lúc các đại gia Nhật Bản “dòm ngó” bất động sản Sài Gòn. Cuối năm 2014, Creed Group gây chú ý với những thương vụ đầu tư đình đám vào các dự án City Gate (Q.8). Liên tiếp 2 năm sau, quỹ đầu tư này cũng rót vốn vào Angia Skyline (Q.7) và River City (Q.7), thông qua An Gia Investment. Theo con số đã được công bố, tổng số vốn Creed Group cam kết đầu tư vào các dự án của An Gia Investment lên đến 200 triệu USD.

Quý II/2016, Nam Long Group cũng đã công bố hợp tác cùng 2 nhà đầu tư Nhật Bản - Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển một dự án mới là căn hộ để ở tại quận 4 mang tên Fuji Residence. Đây là dự án thứ 2, mà các nhà đầu tư này đồng hành cùng Nam Long, sau Flora Anh Đào. Tập đoàn Hưng Thịnh và Sacomreal cũng đã tìm hiểu và hợp tác với những “ông lớn” đến từ xứ sở hoa Anh Đào. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về những thương vụ này đến nay vẫn chưa được công bố.

Thị trường bất động sản Sài Gòn thu hút không chỉ các nhà đầu tư tài chính. Mới đây, Công ty Cổ phần Nhà Mơ đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý bất động sản hàng đầu Nhật Bản. Qua đó, Dream Home Palace (Q.8) sẽ là dự án khởi đầu mà The Global Group sẽ hợp tác đầu tư, với số vốn dự kiến 50 triệu USD, đưa kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển vào quá trình thi công, đồng thời chuyển giao quy trình quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn Nhật Bản vào dự án.

Ở mảng dịch vụ, ngày 28/10, Hoa Binh House cũng đã công bố hợp tác cùng Tập đoàn Okamura Home và Tập đoàn Sanyo Homes, chính thức thành lập Liên doanh chuyên Quản lý và vận hành các sản phẩm bất động sản. Được biết, Tập đoàn Sanyo Homes cũng chính là đối tác hợp tác đầu tư cùng Tien Phat Corp vào dự án căn hộ Ascent Lakeside quận 7.

Được xây dựng trên khuôn viên rộng trên 4063 m2, Tổng quan Ascent Lakeside có quy mô 1 block cao 22 tầng với tổng mức đầu tư khoảng 25 triệu USD, cung cấp ra thị trường 108 căn hộ và 72 căn hộ office-tel với đa dạng diện tích phù hợp nhu cầu ở và cho thuê.

Sau thời điểm khủng hoảng 2008, các doanh nghiệp Nhật Bản có thời gian dài tìm hiểu về thị trường cũng như đối tác trước khi quyết định đầu tư. Ông Hidekazu Nagashima, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản The Global Group, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu quan tâm bất động sản Việt Nam từ những năm 2008 - 2009. Đây là thị trường mới phát triển, có nhiều tiềm năng và sự tương đồng với Nhật Bản ở nhiều thập niên trước. Khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu sâu về thị trường TP.HCM và cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt ở phân khúc tầm trung cao cấp”.

Nhận định về thị trường bất động sản, ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, mở ra cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Riêng TP.HCM là thành phố năng động, dân số khoảng 12 triệu người nhưng quỹ nhà ở còn khiêm tốn, đây là thị trường lớn chưa khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cũng là bước tiến giúp bất động sản phát triển.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sự tham gia của vốn ngoại cũng như công nghệ, kinh nghiệm phát triển, quản lý bất động từ các nước tiên tiến sẽ đẩy sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao. Đây cũng là cơ hội lớn cho khách hàng được hưởng lợi với những sản phẩm chất lượng, uy tín với giá hợp lý.

Cũng theo ông Châu, sự kết hợp với những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh sẽ là yếu tố nâng cao từng bước năng lực của doanh nghiệp trong nước, đồng thời giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước phải thực sự chuyên nghiệp mới đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe mà khối ngoại đặt ra.