Những người ở phố lên rừng không chỉ để ngắm cảnh mà còn để thỏa mãn nỗi nhớ xuất phát từ… dạ dày, nhất là nỗi nhớ rau sạch. Rau rừng Mộc Châu tự nhiên, được tưới mưa rừng, uống hơi thở của đất trời nên cứ thế lớn lên, sạch, non mướt từ trong ra ngoài. Lên Mộc Châu, nếu ăn món rau tầm bóp rừng luộc, bạn sẽ không bao giờ quên được.


Rau tầm bóp xào. ( Nguồn: Internet )
Khi gọi rau tầm bóp ở Mộc Châu, tôi cũng nhớ ra, ở làng quê tôi cũng có những cây tầm bóp hoang mọc nhiều. Thứ cây thấp, quả xanh, nhỏ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng như chiếc đèn lồng.


Lá rau tầm bóp ở Mộc Châu. ( Nguồn: Internet )
Khi tôi nói quê tôi cũng không thiếu loại rau này thì anh chủ quán cười bảo:”Cứ ăn thử đi, rau miền núi khác rau ở miền xuôi đấy”. Tôi gọi một đĩa rau tầm bóp luộc với giá 25.000 đồng. Rau tầm bóp miền núi quả là khác hẳn. Rau tầm bóp Mộc Châu có vị hơi đắng, thanh thanh, nuốt vào thì đọng lại vị ngọt trên đầu lưỡi. Những người bạn tôi mới ăn miếng đầu còn kêu đắng, sau vài phút đã gắp sạch đĩa, tấm tắc khen ngon. “Rau tầm bóp ở dưới miền xuôi thường không ngọt bằng”, anh chủ quán khẳng định. Tôi gật gù và gặp thêm miếng rau tầm bóp ăn, tôi nghĩ bụng, nhất định phải kiểm định nhân một dịp về quê mới được.


Rau tầm bóp khi đơm hoa kết quả. ( Nguồn: Internet )
Ăn nhiều rau rừng, tôi nhận ra một điều rằng, hình như những loại rau rừng mình từng ăn đều đương độ ra hoa. Giống như món cải ngồng lúc nào cũng lấm chấm những bông hoa vàng ở Hà Giang, Bắc Hà, đĩa rau tầm bóp xanh mướt tôi đang ăn cũng đang độ xanh mơn mởn, điểm thêm vài nụ vàng be bé. Thế này là đã qua cái độ “bánh tẻ” – độ tuổi sung sức nhất, thời điểm ngon nhất của các loại rau lá theo “tiêu chuẩn” miền xuôi. Ấy thế mà xanh vẫn cứ xanh, ngọt ngọt, bùi bùi lạ thương. Có lẽ, rau rừng thì phải khác chăng?


Ngoài xào nấu , rau tầm bóp còn được dùng để ăn lẩu. ( Nguồn: Internet )
Mà thôi, những cái khác ấy để một lúc nào đó sẽ kiểm định. Giờ tâm trí tôi chỉ dồn hết hết vào đĩarau tầm bóp xanh còn bốc khói thơm mà đã vơi đi một nửa, mê mải với vị đắng nhẹ nhàng dần chuyển thành vị ngòn ngọt còn vương lại mãi.