Ếch còn được dùng làm thuốc chống lão suy, lợi tiểu, tiêu viêm, chống phù nề, suy nhược thần kinh và thể lực, đặc biệt rất tốt cho trẻ em và người già, phụ nữ sau sinh. Sau đây là một số món ăn bài thuốc từ ếch:



Trẻ ra mồ hôi trộm, ngủ không ngon giấc, gầy còm biếng ăn, dễ bị tiêu chảy, nhiều đờm khò khè: Dùng thịt ếch hấp cơm hoặc nấu cháo ăn hằng ngày. Hoặc phối hợp với hoài sơn, khiếm thực nấu canh ếch ăn với cơm.

Thanh nhiệt giải độc, chữa mụn nhọt ở trẻ trong mùa hè: thịt ếch 100 g, bột sa nhân 5 g, lá sen 1 cái, gạo tẻ 150 g. Nấu cháo ếch xong cho sa nhân vào, lấy lá sen đậy nồi. Hầm thêm 5 phút, để cháo nguội, bỏ lá sen, nêm gia vị. Cho trẻ ăn vào bữa sáng.

Phù thũng: lấy một ít sa nhân và hạt củ cải cho vào bụng ếch (sau khi đã làm sạch bỏ hết phủ tạng). Dùng đất sét bọc ngoài, nướng tồn tính trên lửa, tán bột uống.

Ếch 2 con làm như trên (bỏ đầu, chân, phủ tạng) nấu với hẹ để ăn. Hoặc ếch rán chấm dấm ăn.

Bồi dưỡng cho người yếu mệt, mới ốm dậy:

Ếch làm sạch bỏ đầu, bàn chân, phủ tạng tẩm rượu, xì dầu, đường, gừng đem hấp cơm cho chín (khi cơm sắp cạn nước). Có thể ăn với cơm.

Dưỡng âm bổ huyết, bổ thận ích tinh, nhuận phế: thịt ếch 500 g, cật lợn 2 quả, bong bóng cá 60 g, kỷ tử 30 g. Tất cả làm sạch cho vào bát to, đổ nước vừa phải, đậy kín, hầm cách thủy 2 giờ, nêm gia vị. Người đang bị cảm sốt, tỳ hư không nên dùng.

Bổ thận khí, chữa đi tiểu nhiều ban đêm: ếch một con khoảng 100 g, tang phiêu tiêu 9 g, ba kích 9 g, sơn thù nhục 30 g, câu kỷ tử 15 g. Ếch làm sạch bỏ đầu, bàn chân, da, phủ tạng, chặt miếng nhỏ. Các vị thuốc có thể nấu cùng hoặc nấu lấy nước để ninh với thịt ếch. Nếu không có tang phiêu tiêu có thể dùng kim anh tử. Người có thấp nhiệt ở bàng quang không nên ăn món này.Bên cạnh đó cũng có những lưu ý khi ăn thịt ếch, cũng không nên quá lạm dụng vào món này nhiều mà hãy thay đổi khẩu vị cho bữa ăn ngon hơn.