Không nổi tiếng với những nguyên liệu quý hiếm, đắt đỏ hoặc quá “độc”, bữa ăn người Việt được xây dựng trên nền tảng thực phẩm giản dị, bình dân nhưng phong phú. Phối hợp nhiều loại đạm, chất xơ và đặc biệt là gia vị, món ăn Việt Nam trở nên hài hòa và ngon miệng lạ thường.

Đặc biệt ở gia vị, chúng ta có hàng loạt thể loại khác nhau như hành, rau mùi, tía tô, thì là, kinh giới hay sản phẩm lên men với mẻ, dấm, bỗng rượu; từ gia vị thực vật như tỏi, sả, riềng, gừng đến gia vị từ động vật như hàng chục loại mắm và nước chấm. Chính sự đa dạng và kết hợp linh hoạt giữa các loại gia vị trên đã tạo ra hương vị rất vừa phải, không quá ngọt, béo, cay hay mặn cho ẩm thực Việt Nam.



Ưu điểm hài hòa của ẩm thực Việt còn đến từ tư tưởng truyền thống âm dương cân bằng. Với âm đại diện cho cái tối tăm, mềm mại, thụ động, còn dương là tươi sáng, cứng rắn, chủ động, triết lý này cho rằng mọi sự trên đời đều có âm có dương, và hai yếu tố đó luôn hòa quyện với nhau làm nên bản chất tồn tại của thế giới.

Ăn uống cũng không nằm ngoài nguyên lý này. Một món ăn hay một mâm cơm của người Việt chứa đựng trong mình những giá trị triết học sâu sắc với âm dương phối triển và ngũ hành tương sinh – hai nguyên tắc kết hợp trong nấu nướng nhằm đạt đến vẻ đẹp hài hòa theo đúng tiêu chuẩn mỹ học của người Việt.



Dù không mang những yếu tố hào nhoáng, sang trọng hoặc quá độc đáo kì thú, nhưng ẩm thực Việt Nam vẫn “ghi điểm” nhờ vị ngon hài hòa của những điều giản dị.

Cụ thể, một món ăn phải chứa đựng cả hai trạng thái âm dương cho cần bằng. Nguyên liệu chính có tính lạnh (âm) như trứng vịt lộn phải đi cùng với rau thơm có tính nóng (dương) như rau răm, thịt vịt mang tính lạnh (âm) phải có gừng mang tính nóng (dương) mới ngon. Trên bình diện rộng hơn là mâm cơm hàng ngày, quy tắc âm – dương này càng thể hiện rõ nét: món kho, rán, hoặc nướng mang vị mặn, kết cấu sệt, khô (dương) đã có món canh rau thanh mát, dạng nước lỏng (âm) cân bằng lại.