Vào những ngày hè nóng nực thì không khí vô cùng khó chịu nhất là vào những buổi trưa. Do đó nhu cầu sử dụng máy lạnh càng tăng cao, nếu như nhà bạn có trẻ nhỏ và thường xuyên để trẻ nằm lâu trong phòng có máy lạnh khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh về đường hô hấp. Trao đổi với các kỹ thuật viên thợ điện lạnh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một số lưu ý khi cho trẻ sơ sinh sử dụng máy lạnh nhé.

Sử dụng máy lạnh đúng cách

– Tránh sự thay đổi đột ngột

Khi bé đang ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không cho bé vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay. Cha mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi 1 lúc sau đó mới cho bé vào phòng có máy lạnh.

Khi muốn ra ngoài, cha mẹ nên tắt máy lạnh, mở cửa phòng 1 lúc cho bé dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Sau đó mới cho bé ra khỏi phòng.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nên hạn chế cho bé ra vào phòng có máy lạnh liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột.

– Nhiệt độ bao nhiêu là hợp lý

Tùy vào tình hình thời tiết, công suất máy lạnh, diện tích phòng mà điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh cho thích hợp. Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời càng ít càng tốt. Không nên để quá lạnh bởi như thế vừa tốn điện mà lại không tốt cho sức khỏe. Còn nếu để nhiệt độ cao quá thì tác dụng làm lạnh lại không hiệu quả. Nhiệt độ lý tưởng nhất nên ở 27 – 28 độ C.

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong phòng khoảng 7 – 8 độ C là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể trẻ. Đặc biệt, trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt như những trẻ lớn hơn, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng thì khả năng điều hòa thân nhiệt cho cơ thể càng kém hơn. Trước đó, khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ luôn được sởi ấm bởi thân nhiệt của mẹ khoảng 37,5 – 38 độ C. Vì vậy, trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm lạnh.

– Không nên ở phòng máy lạnh quá lâu

Ngoài giấc ngủ ban đêm bật máy lạnh liên tục, thời gian còn lại trong ngày, không nên để bé ở phòng máy lạnh khoảng hơn 4 giờ liên tục.

– Vệ sinh máy lạnh và vệ sinh phòng

Việc vệ sinh máy lạnh và phòng ốc cũng vô cùng quan trọng, việc làm này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc lưu trú trong phòng, trong máy lạnh.

Khi không bật máy lạnh nữa thì phải mở hết cửa sổ, cửa phòng để cho không khí lưu thông.

Đảm bảo sức khoẻ cho bé khi dùng quạt

– Bố mẹ khi cho bé nằm quạt nên để bé nằm cùng hướng thổi của quạt, hướng ra cửa. Không nên bật số cao, chỉ nên để tốc độ gió ở mức 0,2-0,5m/s, tối đa không quá 3m/s.

– Nên điều chỉnh tốc độ vừa phải, tuyệt đối không để quạt thổi cố định lên người bé mà phải để ở chế độ xoay. Phòng thoáng gió chỉ nên mở quạt số nhỏ cho gió thổi nhẹ.

– Không để quạt thốc vào cơ thể bé, đặc biệt khi bé từ ngoài trời nóng bước vào hoặc vừa hoạt động thể lực mà nên lau mồ hôi, nghỉ vài phút rồi mới dùng quạt.

– Khi trẻ ra mồ hôi ra nhiều, không nên dùng quạt vì các mạch máu ngoài da toàn thân lúc đó đang giãn rộng, nếu bị gió đột ngột sẽ co lại làm ngưng trệ bài tiết mồ hôi, gây mất cân bằng giữa việc sinh nhiệt và tán nhiệt trong cơ thể, nhiệt lượng dư thừa không được phát tán ra ngoài.