Robert Triggs – Android Authority



Qualcomm, Samsung, MediaTek và Nvidia là những nhà sản xuất SoC di động lớn nhất thế giới cho mọi hệ điều hành. Tổng thị phần của họ gộp lại chiếm phần lớn “miếng bánh” thị trường chip smartphone và tablet, và các SoC của họ có một điểm chung – chúng được xây dựng trên nền tảng series vi xử lý ARM Cortex-A. Dù vẫn đang thống trị thị trường PC và Windows, nhưng Intel đang trải qua quãng thời gian khó khăn trên mặt trận di động, khi chỉ có số ít những thiết bị “cận thành công” mang trên mình vi xử lý của hãng.



Bằng cách nào ARM lại xâm chiếm được thị trường smartphone, và phải làm sao để Intel có thể chiếm được ngôi vương của đối thủ?



INTEL CẦN CHIẾN THẮNG TRÊN MẶT TRẬN DI ĐỘNG



Chắc chắn một điều là Intel đang tụt lại phía sau trong mảng di dộng, và gần như mọi nhà phân tích đều đồng ý rằng, gã khổng lồ này đang đứng không đúng chỗ trên thị trường công nghệ.



Theo báo cáo được công bố hồi cuối năm ngoái của Gartner, trong suốt năm 2014, lượng tablet được giao dự đoán sẽ tăng 43%, 5% với điện thoại di động, trong khi PC và laptop sẽ lao dốc 7%.



Các số liệu đã cho thấy, thị trường tablet gần như đã bắt kịp PC trong năm vừa qua, trong khi mobile phone đã đánh bại cả 2 mặt hàng trên. Nhìn lại, Intel đáng ra phải bắt kịp “cơn sóng” di động từ nhiều năm trước, nhưng thay vào đó hãng lại mắc kẹt trong vai trò ông vua của 1 thị trường đang đi xuống.



Nói về mặt tài chính, những kết quả doanh thu gần đây của Intel đã làm sáng tỏ hơn hiện trạng của vấn đề. Cả lợi nhuận và lợi nhuận thuần của hãng đã giảm lần lượt 16% và 13%. May mắn là doanh thu vẫn giữ ở mức ổn định, chỉ giảm 1%. Điều này có nghĩa rằng Intel đang chi nhiều hơn để giữ mình ở lại cuộc chơi, nhưng sự suy yếu của thị trường PC thực ra không ảnh hưởng quá nhiều đến Intel như nhiều người vẫn nghĩ.



Lợi nhuận bạc tỷ của Intel sẽ không biến mất trong 1 sớm 1 chiều, nhưng sự tự mãn có thể khiến Intel phải trả giá nếu thị trường PC vẫn tiếp tục đi xuống như hiện nay. Một chiếc điện thoại “lớn” mang trong mình con chip Intel sẽ chứng minh được sức cạnh tranh của hãng trước ARM, nhưng dường như thành công vẫn chưa thực sự rõ ràng.



TẠI SAO ARM LẠI THÀNH CÔNG?



Câu chuyện của ARM không khác gì Intel. Công ty có trụ sở tại Cambridge này đã dẫn đầu cuộc cách mạng smartphone ngay từ những ngày đầu, khi họ bắt đầu thiết kế CPU cho Apple đầu thập niên 90.



Tuy nhiên, không phải chỉ nhờ mối quan hệ tốt mà ARM có được ngày hôm nay. Sự tập trung của ARM vào vi xử lý tiêu thụ ít điện năng đã được chứng minh là con đường phù hợp nhất với smartphones, trong khi Intel vẫn đang loay hoay tìm cách thu nhỏ những phần cứng cấp nguồn của mình.



Có lẽ mô hình kinh doanh còn đóng một vai trò quan trọng hơn trong thành công của hãng. Không giống như Intel, ARM không thực sự “sản xuất” thứ gì cả, thay vào đó họ bán các sở hữu trí tuệ của mình cho các công ty khác. Các doanh nghiệp có tầm nhìn như Qualcomm góp phần rất lớn vào sự thành công của ARM, khi đã xác định và phát triển không ít trong số những SoC di động toàn diện nhất từ thiết kế của họ.



ARM và các đối tác đã thay đổi bản chất của việc phát triển phần cứng bằng việc dựa vào những nhu cầu tự nhiên và luôn biến đổi của thị trường toàn cầu hơn là dự đoán những đòi hỏi sẽ xuất hiện trong tương lai. Intel và những kẻ còn lại đã thất bại trong việc dự đoán chính xác những gì các nhà phát triển smartphones thực sự cần.



CHIẾN TRƯỜNG TIẾP THEO: CHIP 64 BIT, TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG VÀ HIỆU NĂNG "THẾ HỆ MỚI"



Tất nhiên những câu chuyện trên đã thuộc về quá khứ. Intel giờ đang hết sức tập trung vào thị trường di động với một loạt các con chip dựa trên nền Atom tiêu thụ ít điện năng. Pháo đài của ARM vẫn là bất khả xâm phạm, nhưng Intel cũng đang có một dàn chips mới sẵn sàng xung trận.



Đầu tiên phải kể đến tablet chip Bay Trail, SoC 64bit công nghệ 22nm gồm cả dòng lõi đôi và lõi tứ. Bay Trail đánh dấu SoC di động cao cấp giàu sức cạnh tranh đầu tiên của Intel, với đồ họa tích hợp từ kiến trúc Ivy Bridge và hiệu năng CPU tương đương với dòng Cortex A15 nổi tiếng từ ARM. Về tổng thể, sức mạnh của nó sẽ rơi vào khoảng giữa Snapdragon 600 và 800, một sự cải tiến đáng ghi nhận sau sự mờ nhạt của kiến trúc Clover Trail. Một tin hết sức quan trọng mà Intel đã thông báo cho các nhà đầu tư đó là tablet Android đầu tiên mang công nghệ này sẽ ra mắt vào quý 2 năm nay.



Xa hơn nữa, Intel sẽ là nhà sản xuất đầu tiên đem đến 1 con chip mobile công nghệ 14nm với Cherry Trail, kiến trúc dự kiến ra mắt vào nửa sau năm 2014. Công nghệ này sẽ đưa ra sự cải tiến vượt bậc về tiêu thụ điện năng và hiệu năng sử dụng, là một mối đe dọa lớn với các nhà phát triển ARM vốn còn mắc kẹt với công nghệ 28nm.



Intel vẫn đang sống tốt với công nghệ di động của mình. Kiến trúc Merrifield, được cho là sẽ nhanh gấp đôi CloverTrail+ cũng như hỗ trợ LTE, dự kiến sẽ ra mắt vào sự kiên Mobile World Congress 2014. Nó có thể không đủ để làm kinh ngạc ARM, bởi lẽ CloverTrail+ vốn quá thất vọng, nhưng thiết kế Broxton hoàn toàn mới vào giữa năm 2015 có thể sẽ là cơ hội lớn cho Intel.



Broxton là sự thay đổi lớn lao của Intel, khi cuối cùng nó cũng hợp nhất công nghệ smartphone và tablet của công ty vào cùng một SoC, khiến cho việc tinh chỉnh phù hợp từng nhu cầu cụ thể trở nên dễ dàng hơn. Là một kiến trúc cách tân, kiến trúc của Broxton được module hóa hơn sẽ giúp Intel đưa ra những mẫu chips mới nhanh hơn, rẻ hơn, có khả năng xóa bỏ được những lợi thế lớn của ARM. Intel cũng có kế hoạch mang vi xử lý Atom vào thị trường giá rẻ với chip SoFIA mà theo lịch trình sẽ ra mắt vào nửa sau năm 2014. Không may là một lần nữa Intel lại chậm trễ trong việc hỗ trợ LTE trên con chip này, không thể sớm hơn mốc 2015.



Mọi việc có vẻ suôn sẻ với Intel, nhưng ARM cũng đã sẵn sàng đón chào 64bit trên di động, khi kiến trúc ARMv8 đang được hoàn tất. Vi xử lý di động đầu tiên dựa trên kiến trúc này sẽ là CPU Cortex A53.



Không giống như “đội hình” vi xử lý hướng tới tăng cường hiệu năng của Intel, Cortex A53 lại khiêm tốn hơn nhiều. Hiệu năng CPU sẽ gần với Cortex A9 cũ chứ không thay thế Cortex A15 là CPU đầu bảng hiện nay của ARM. Tuy nhiên chúng ta không cần phải thất vọng, bởi lẽ chips sức mạnh yếu hơn sẽ dẫn tới thời lượng pin “khủng” cho smartphones, hoặc để dành năng lượng để “nhồi” thêm nhiều lõi hơn. Theo lịch trình, Snapdragon 410 sẽ là vi xử lý ARM 64 bit đầu tiên trên smartphones, ra mắt vào nửa sau năm nay.



ARM sẽ định hướng vào tiết kiệm điện năng và giá rẻ trước, sau đó Cortex A57 của hãng sẽ mang đến sự nhảy vọt về hiệu năng mà chúng ta mong đợi ở một thế hệ mới. Kiến trúc big.LITTLE cũng rất đáng mong đợi, với sự kết hợp của A53 và A57 mang lại sự cân bằng giữa hiệu năng và thời lượng pin. Chúng ta cùng chờ đợi xem liệu Cortex A57 có xuất hiện trong công nghệ di động không hay bao giờ nó sẽ ra mắt. Có lẽ chip 64bit sắp tới của Samsung sẽ là nước đi đầu tiên.



Ngoài quá trình phát triển kiến trúc của ARM, các đối tác kinh doanh của họ cũng đang chuẩn bị những con chip mới vượt khỏi khuôn khổ những kế hoạch của Intel.



Snapdragon 805 chắc chắn sẽ gìn giữ ngôi bá chủ cho ARM trên bảng xếp hạng trong khi Adreno 420 vượt xa mọi đối thủ trong đội hình của Intel. Tương tự, Tegra K1 của Nvidia hứa hẹn mang đến “trải nghiệm game console” dựa trên CPU ARM. Mặc khác, MediaTek vẫn cặm cụi với những chips ARM giá thành thấp, tiết kiệm năng lượng cho các sản phẩm giá rẻ. Intel vẫn chưa có gì khả dĩ để thách đấu lại các vi xử lý này.



Dựa trên những gì chúng ta biết, ARM vẫn sẽ vững vàng trên ngôi đầu trong tương lai gần nhờ những con chip tích hợp LTE của Qualcomm và những thành phần CPU/GPU mạnh mẽ. Intel cho thấy những triển vọng cực lớn trên mặt trận CPU tablet, và sẽ là kẻ cán đích đầu tiên trong cuộc đua 64 bit và sản xuất công nghệ nhỏ hơn (14nm). Sự chú ý của họ đến những smartphones giá rẻ có thể cho quả ngọt, nhưng không có vẻ gì là Intel sẽ thách thức được ARM với những smartphones đầu bảng, cho tới năm 2015, khi họ cải thiện tích hợp LTE.



Có lẽ, sẽ có những thị trường mà ở đó Intel sẽ đứng vững hơn?



Link phần 2