Người ta thường nói, khi chọn mua một chiếc amply karaoke, hay bất cứ một thiết bị âm thanh, điện tử nào, thì điều đầu tiên cần làm tìm hiểu đến thông số kĩ thuật của sản phẩm. Bởi lẽ, nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình phối ghép, tạo sự tương thích giữa các thiết bị với nhau trong một hệ thống, và từ đó sẽ dẫn tới chất lượng âm thanh có đạt được sự tối ưu hay không. Tuy nhiên trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng am hiểu về những thông số kĩ thuật của thiết bị, điển hình như amply karaoke, điều đó sẽ dẫn tới sự lựa chọn sản phẩm sai lầm, không hiệu quả. Ở bài viết dưới đây, Hoàng Audio xin chia sẻ tới quý khách về tất cả những thông số có trên một chiếc amply karaoke.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu amply karaoke là gì?
Amply karaoke là thiết bị có công dụng trộn và khuếch đại âm thanh. Thiết bị này nhận tín hiệu từ đầu phát và micro karaoke sau đó xử lý qua mạch âm sắc, mạch tạo hiệu ứng và cuối cùng là mạch khuếch đại đưa tín hiệu âm thanh ra loa. Amply karaoke phù hợp sử dụng trong phân khúc dàn karaoke gia đình cao cấp hoặc phòng hát kinh doanh diện tích nhỏ.
Các thông số có trên một chiếc amply karaoke
Công suất: công suất của amply karaoke được tính theo đơn vị RMS (Root Mean Square), là một thông số tính toán mức công suất trung bình tạo ra liên tục trong một khoảng thời gian nhất định. Người dùng cần phải đặc biệt lưu ý tới thông số này khi chọn amply, bởi nó quyết định trực tiếp đến độ mạnh – yếu của một chiếc amply. RMS là công suất phát ra, nó khác hoàn toàn với công suất cực đại PMPO. Công suất PMPO thường được nhà sản xuất quảng cáo là rất lớn có thể lên đến hàng nghìn Watt, nhưng thực tế công suất hiệu dụng lại thấp hơn rất nhiều.
Độ lợi công suất (Gain): đây là thông số thể hiện khả năng khuếch đại của amply. Độ lợi công suất là tỷ số tính theo hàm logarit giữa công suất đầu vào và công suất đầu ra của amply, đơn vị là dB.
Tần số đáp ứng (Frequency Response): là khoảng âm mà tai người có thể nghe được. Đây là thông số mô tả khoảng tần số tín hiệu đầu vào mà amply hoạt động ổn định tuyến tính. Các dòng amply karaoke truyền thống thường có tần số đáp ứng trong khoảng từ 20Hz – 20KHz, đáp ứng tần số càng “phẳng” thì khả năng tái tạo âm thanh của amply càng tốt.
Méo hài tổng (THD) Méo hài tổng hay còn được gọi là độ méo tiếng, có đơn vị là THD. Thông số này chỉ sự so sánh tổng hài các tần số giữa tín hiệu đầu vào và âm thanh đầu ra sau khi qua amply. Các hài bậc cao sẽ gây méo và làm giảm tính trung thực của âm thanh. Cho nên THD càng thấp thì amply càng tái tạo âm thanh trung thực. Thông thường, THD phải nhỏ hơn 0.5%.
Trở kháng ra (Output Impedance) Trở kháng là thông số biểu hiện ngõ ra của amply. Mọi amply hiện nay đều được thiết kế với trở kháng 2, 4 hoặc 8 Ohm. Đây cũng là thông số bạn cần phải chú ý dể khi ghép nối với loa cho phù hợp. Thông thường, trở kháng loa giảm một nửa thì công suất amply cần tăng gấp đôi nếu ghép nối lệch trở kháng.
Echo, Reverb (Vang, Nhại): đây là hiệu ứng âm thanh mà mỗi chiếc amply karaoke đều được trang bị. Echo là hiệu ứng tạo ra tiếng ngân cho giọng hát. Echo pha trộn giữa âm thanh đã qua xử lý và âm thanh gốc để giả sự “rung giọng” của ca sĩ, điều mà không phải người hát nào cũng có thể làm được. Reverb là hiệu ứng độ vang, góp phần tạo ra cảm giác lớn về độ vang của gian phòng bằng cách giả lập những phản âm dội lại từ tường. Khác với Echo lặp lại các tín hiệu giống nhau, reverb lặp lại những tín hiệu với mật độ tăng dần và cường độ giảm dần theo thời gian.
Hi vọng qua những chia sẻ của Hoàng Audio, quý khách đã có thêm cho mình những hiểu biết về thông số kĩ thuật trên một chiếc amply karaoke, để từ đó có những sự lựa chọn phù hợp với sở thích cũng như không gian phòng hát. Mọi thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ tới hotline hoặc đến trực tiếp showroom của chúng tôi để được tư vấn, giải đáp một cách tận tình, chu đáo nhất.

>>> Nguồn : https://loa365.com/tintuc/tim-hieu-n...-amply-karaoke